Thứ Tư, 7 tháng 12, 2016

6 điều các mẹ cần lưu ý trước khi cho con ăn dặm

1. Nên cho con ăn dặm từ tháng mấy?

Câu trả lời là không nên cho con ăn dặm trước khi trẻ được 6 tháng tuổi. Nhiều bà mẹ nghe theo các kiến thức trước kia, luôn có xu hướng muốn cho con “biết chạy” trước khi “biết bò” với hi vọng con không thua kém bạn bè. Mới tháng thứ 4, các bà mẹ đã muốn cho con bắt đầu làm quen với món ăn dặm. Điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ vì cơ thể trẻ chưa có đủ các chất men cần thiết để tiêu hóa những chất ngoài sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu trẻ có bú sữa ngoài (không bú mẹ hoàn toàn), mẹ có thể xem xét cho trẻ làm quen với món ăn dặm sớm hơn một chút, vào khoảng tháng thứ 5.

Cũng không nên cho con ăn dặm quá muộn, với suy nghĩ rằng cho con bú sữa mẹ càng lâu càng tốt. Sau 6 tháng tuổi, sữa mẹ không đủ sức đáp ứng hoàn toàn nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ nữa. Trẻ có thể bị đứng cân, tăng trưởng chậm nếu không “quen” với việc ăn dặm kịp thời.

2. Nên cho con ăn dặm những gì?

Để chuẩn bị cho quá trình ăn dặm của con, từ cuối tháng thứ 4, bạn nên bắt đầu cho bé “nhấm thử” những vị món này món kia ngoài sữa mẹ. Lưu ý, chỉ “nhấm thử” chứ không “ăn”. Ví dụ thỉnh thoảng, bạn có thể chấm một chút xíu nước súp trên đầu muỗng và chạm vào môi bé một cái. Những lần “nhấm thử” này ít đến nỗi sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến hệ tiêu hóa của trẻ. Nhưng cái được rất lớn là trẻ sẽ dần ý thức được rằng có những cái “gì đó” ngoài hương vị sữa mẹ bình thường.
cho con an dam


Từ tháng thứ 5 hoặc 6, bắt đầu cho con ăn dặm theo công thức: từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, từ ngọt đến mặn. Ban đầu, bạn có thể cho con ăn từng chút ít trái cây nghiền thật nhuyễn như đu đủ. Khi bắt đầu với bột, chén bột chỉ bao gồm 2 muỗng bột trong 200ml nước. Lưu ý là khoảng thời gian này, nước dùng để pha bột nên là nước trong hoàn toàn. Chỉ nêm thêm một chút xíu nước mắm nhạt, không dùng bột nêm, không dùng nước thịt để nấu bột.

3. Bột ăn dặm của trẻ bao gồm…?

Nếu bạn mua được loại bột ăn dặm uy tín bên ngoài thị trường, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất cho trẻ thì cũng khá yên tâm. Trong trường hợp muốn tự nấu các món ăn dặm cho con, bạn cần đảm bảo món ăn dặm phải bao gồm đầy đủ 4 nhóm:

Bột đường (gạo, bắp, khoai…).

Ðạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu…): Trong mỗi chén bột cần 1 muỗng canh thức ăn giàu đạm.

Dầu ăn: Rất cần cho sự phát triển của não bộ, cung cấp nhiều năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo đồng thời làm cho chén bột mềm, dễ nuốt. Mỗi chén cho 1 muỗng canh dầu. Ở tuổi của bé, bạn nên cho bé ăn dầu từ hạt như dầu cải, dầu mè, dầu nành, dầu hướng dương hoặc dầu ô-liu.

Rau: Cung cấp vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời cung cấp chất xơ giúp tránh táo bón. Mỗi chén cần 2 – 3 muỗng canh rau.

Bạn lưu ý là cần thường xuyên đổi món cho trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng. Không nên nấu một nồi cháo ăn cả ngày, hâm đi hâm lại, cháo sẽ mất vitamin và cũng không còn thơm ngon. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng chính những nguyên liệu đi chợ mỗi ngày của mình, chịu khó nấu đổi món cho trẻ 3 bữa/ngày.

4. Món ăn dặm của trẻ nên dùng “nước” hay “cái”?

Rất nhiều bà mẹ Việt Nam cho rằng khi dùng thịt, cá, tôm, xương… hầm nhừ thì toàn bộ chất dinh dưỡng, tinh túy sẽ nằm trong nước hầm. Cho con ăn nước này là đã tốt rồi. Có bà mẹ suốt giai đoạn con 6-7 tháng chỉ cho ăn toàn một món cháo nấu loãng, nghiền nhuyễn, trộn với nước hầm.

Thực tế cho thấy, nước hầm chỉ cho vị ngọt và mùi thơm nhưng lại không có giá trị dinh dưỡng bao nhiêu. Các chất xơ trong rau củ rất cần cho trẻ, cũng như các “xác” thịt cá mới đủ khả năng cung cấp dưỡng chất cần thiết cho bé yêu của bạn. Bạn nên băm nhuyễn, nghiền nhỏ các loại “xác” này, nấu thật mềm cho trẻ ăn cả “cái”.

5. Không nên lạm dụng “xay” sinh tố!

Các chất xơ trong rau củ rất cần cho trẻ, cũng như các “xác” thịt cá mới đủ khả năng cung cấp dưỡng chất cần thiết cho bé yêu của bạn.

Bạn chỉ nên cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn vào giai đoạn tập ăn dặm đầu tiên. Khi răng của trẻ mọc đủ dần, không nên cái gì cũng xay nhuyễn cho con ăn dặm vì sợ con tiêu hóa không tốt nữa. Thói quen đó của mẹ có thể khiến bé chỉ biết nuốt trọng, không chịu nhai, không có thói quen dùng răng hàm nghiền thức ăn.

Độ 7-8 tháng, bé đã có thể ăn được cháo nhuyễn rồi. Đến 12 tháng thì đã có thể làm quen với cháo nấu còn hạt. Bạn cần nắm được “lịch trình” này để thay đổi dần thức ăn theo hướng tập cho con nhai dần. Vào thời điểm trẻ được 7 tháng, đã không nên dùng máy sinh tố nữa mà nên rây cháo qua lỗ rây, để có một chút “lợn cợn” giúp trẻ làm quen thay vì mọi thứ được nhuyễn nhừ hết cả.

6. Và cuối cùng, đừng chỉ là… cà rốt, khoai tây!

Rất nhiều bà mẹ, khi nghe nhắc đến rau củ, chất xơ thì chỉ nghĩ đến… cà rốt và khoai tây. Có nhiều trẻ khi bác sĩ hỏi đến thì mới phát hiện chỉ ăn toàn cà rốt, khoai tây chứ không được “nhấm” đến bất kỳ loại rau nào khác trong quá trình ăn dặm. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng khoai tây, cà rốt cung cấp cho trẻ nhiều bột đường nhưng lại không đủ vitamin cần thiết. Vì vậy, khi bác sĩ nhắc bạn rằng nên bổ sung rau thì hãy nghĩ đến những loại rau mềm như mồng tơi, cải xanh… chứ không phải chỉ là khoai tây, cà rốt. Cũng cần nhắc thêm bạn một điều là mỗi lần nấu cháo hay bột cho con ăn dặm, chỉ nên sử dụng một loại rau chứ không nên kết hợp kiểu “tả pín lù”, trẻ sẽ không thích nghi được mùi trộn lẫn khó chịu ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét