Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Tại Sao Trẻ Biếng Ăn Khi Được 1-2 Tuổi?

Giai đoạn bắt đầu ăn dặm, trẻ bắt đầu làm quen với chế độ dinh dưỡng mới. Nhưng đồng thời, sau quãng thời gian không bú mẹ hoàn toàn, bé thường có dấu hiệu chán ăn, biếng ăn nhất là lúc bé được 1-2 tuổi.

Đặc trưng của trẻ 1-2 tuổi


Khác với hồi còn “sơ sinh”, trẻ 1 tuổi bắt đầu có những hành vi chủ động hơn, chẳng hạn như:

- Bé bắt đầu bộc lộ sở thích ăn uống như không thích món gì hay “khoái khẩu” món gì. Nếu cha mẹ tập cho con ăn đúng cách trong giai đoạn này thì bé sẽ không có cảm giác chán ăn những món mình không thích. Tuy nhiên, nếu tập ăn sai cách bé sẽ tích lũy dần những thói quen xấu và kéo dài tình trạng lười ăn.

- Tốc độ tăng trưởng của bé 1-2 tuổi chậm hơn giai đọan dưới 1 tuổi, trung bình tăng 2,4 kg/năm.

- Không nên ép ăn nếu bé không hợp tác. Cha mẹ ép ăn trong giai đoạn này sẽ làm cho bé biếng ăn kéo dài đến 3-4 tuổi hoặc lâu hơn.

- Nếu bé trước giờ vẫn ăn uống bình thường, đều đặn thì biếng ăn vài ngày cũng không là vấn đề gì nghiêm trọng.

Giải pháp cho phụ huynh


Đứng trước cảnh con chán ăn, nhiều phụ huynh thường lo lắng đến mức mất kiên nhẫn khi thấy bé không chịu ăn. Nhưng mấu chốt ở đây là chính bạn cần phải hiểu rõ con mình thì mới giúp bé thoát khỏi tình trạng này.

- Đừng bỏ cuộc nếu bé từ chối ăn. Hãy kiên nhẫn tìm cơ hội để cho bé làm quen lại món đó, ít nhất 10 lần hoặc hơn để trẻ không còn từ chối nữa.

- Cha mẹ nên giới hạn sữa không quá 500 ml/ngày. Sử dụng sữa quá nhiều trước bữa ăn làm trẻ nhanh no và không muốn ăn nữa.

- Với bé đủ cân nặng tiêu chuẩn thì bạn nên cho ăn đúng lượng bé muốn và giới thiệu nhiều loại thức ăn phong phú, đa dạng cho bé. Nếu bé nhẹ cân, vẫn cân bằng đủ lượng thức ăn cần thiết nhưng nên chia nhỏ bữa ăn để bé không chán.

- Không nên cho bé ăn ngay sau khi chơi xong, vì lúc này trẻ mệt không có hứng thú ăn.

- Cha mẹ không nên cho hay thưởng bé bánh kẹo, thức ăn vặt linh tinh vì trẻ sẽ hình thành thói quen mê ăn vặt mà bỏ bữa.

- Thời gian cho bữa chính không quá 30 phút, bữa phụ 20 phút. Nếu bé ngồi mãi mà không chịu ăn, nên để trẻ rời khỏi bữa.

- Cha mẹ nên tạo môi trường bữa ăn không quá áp lực và có nhiều tác nhân làm sao nhãng (tivi, điện thoại, đồ chơi).

- Các bé nên ăn cùng người lớn để cảm thấy được hòa nhập hơn với gia đình, điều này là cơ hội để trẻ bắt chước ăn theo người lớn.

Đọc thêm bài viết khác cùng chủ đề tại Tại Sao Trẻ Biếng Ăn? Những Nguyên Nhân Chính Bố Mẹ Cần Biết

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Cẩm Nang Cho Bé Ăn Dặm Đúng Cách (P.2)

Tiếp theo bài trước, để cho bé ăn dặm đúng cách mẹ cần tuân thủ những quy tắc dưới đây.

Khi cho bé ăn dặm cần lưu ý điều gì?


- Bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi. Trước 4 tháng hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non yếu nên tuyệt đối không ăn dặm. Mẹ cũng đừng nên nôn nóng muốn trẻ tăng cân nhanh mà vội cho ăn dặm ngay. Hãy chú ý vào nhu cầu thực sự của bé.

- Chỉ cho bé ăn thực phẩm mới khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Không cho bé ăn dặm khi bé đang mọc răng, bị cảm, mệt. Trường hợp sức khỏe bé không đảm bảo (sau tiêm chủng, người nhà hắt hơi sổ mũi, với nguy cơ ngày hôm sau bé cũng sẽ bị sổ mũi), gia đình có dự định cho những thay đổi sinh hoạt trong thời gian gần (đi du lịch, tổ chức tiệc đông người tại nhà...), nên đợi thêm một tuần cho tới khi mọi sinh hoạt trở lại bình thường mới bắt đầu cho bé ăn dặm.








- Cho bé ăn dặm trước khi dùng thức ăn chính: Để bé ăn cháo sữa ngũ cốc, sau đó mới cho bú mẹ hoặc bú bình.


- Nếu bé từ chối không hơp tác thì đừng nên ép. Hãy kiên nhẫn và để khoảng 2 tuần thì thử cho bé ăn lại.


- Chỉ cho bé thử một loại thức ăn mỗi lần. Nếu định cho bé ăn hoa quả nghiền, không cần cho ngay cả táo, lê và mận mà chỉ được dùng một loại thực phẩm mới. Nếu nấu cháo sữa thì không nên dùng loại bột ngũ cốc 7 thành phần mà chỉ dùng loại một thành phần. Chỉ khi bé quen hoàn toàn thì mới chuyển sang thành phần mới.


- Chỉ bắt đầu cho bé ăn dặm 2 bữa khi đã thay thế hoàn toàn bữa thứ nhất. Đây là lựa chọn tốt vì cháo làm bé no lâu và ăn cháo vào bữa tối trẻ thường ngủ ngon hơn. Nếu chưa thay thế hoàn toàn được bữa tối thì không thử nghiệm bữa sáng hay bữa trưa.


- Khoảng cách giữa hai lần thử món ăn không dưới 5 ngày. Ví dụ ngày đầu bạn thay sữa mẹ bằng 20 g cháo sữa rồi cho bé bú thêm. Những ngày tiếp theo dùng 40, 60, 80, 100 g cháo, tăng dần trong vòng 5-7 ngày thì thay thế hoàn toàn bữa sữa mẹ.


- Khi chế biến có thể nêm thêm một ít muối, đặc biệt vào mùa nóng bé ra mồ hôi nhiều nên cơ thể sẽ mất đi một lượng muối. Nhưng nên nhớ hàm lượng muối khi nêm thức ăn cho bé thấp hơn rất nhiều so với người lớn.


Đọc tiếp bài viết cùng chủ đề Cẩm Nang Cho Bé Ăn Dặm Đúng Cách (P.1)

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Tại Sao Lấy Lý Luận Ngũ Hành Để Đặt Tên Cho Con?

Đây là tư tưởng con người truyền từ nhiều thế hệ nay ở nước ta. Mọi người đều cảm nhận con người có một mối quan hệ mật thiết với tự nhiên, xã hội. Vì thế lý luận ngũ hành được con người vận dụng trong vấn đề đặt tên.

Khi đặt tên, đều hết sức mong cầu được âm dương điều hòa, cương nhu tương tế. Mọi người cho rằng như thế trong cuộc sống có thể gặp hung hóa cát, thuận buồm xuôi gió. Đây có lẽ là nguyên nhân mà mấy ngàn năm nay, chúng ta vẫn luôn lấy lý luận ngũ hành làm căn cứ để đặt tên.

Đặt tên theo Hành Mộc

Nghe một chữ “Mộc” là chúng ta đủ cảm nhận sự thiên nhiên về những đồng cỏ, rừng cây,... Người có hành Mộc thường rất nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, năng động, như một cái cây đầy sức sống. Những tên theo hành Mộc có thể chọn như tên các loài hoa, cây cảnh từ nhỏ cho đến lớn như Tùng, Lâm, Bách, Quỳnh, Hoa, Cẩm Tú, Thuỷ Tiên, Mộc Thảo, Thanh Thảo,…Chọn tên cho con trai thì sẽ ưu tiên những tên cho phái mạnh như Tùng, Lâm, Bách và ngược lại theo giới tính của bé gái.

Đặt tên theo Hành Thuỷ

Như chúng ta đều biết, thủy là nước. Nước thì có nhiều dạng như suối, sông, biển hồ, những tên mang tính chất thuỷ như Thuỷ, Lệ, Giang, Hà, Băng, Hải, Biển, Kiều, Triều,…

Đặt tên theo Hành Hoả

Mặt trời hay lửa là 2 yếu tố biểu trưng cho Hoả. Dù ở hình thức nào thì Hoả cũng tượng trưng cho sự sống, ấm áp cho muôn loài. Hoả có thể được liệt kê một số tên như Dương, Thái, Nhật, Quang, Đăng, Minh, Ánh, Hồng, Đan,

Đặt tên theo Hành Kim

Kim chỉ sức mạnh của kim loại, thường mang tính sắc bén, lý luận, nghĩa khí và hào hiệp. Chọn tên theo ngũ hành thuộc Kim có thể kể đến như Linh, Kim, Khánh, Khanh, Ngân, Thu, Khuyên, Quyên,

Đặt tên theo Hành Thổ

Đất, núi là những hình ảnh chúng ta nghĩ về Thổ. Thổ có tính chất là nuôi dưỡng. che chở cho cây cối, vững bền không thay đổi. Người mang tính Thổ thường là người đáng tin, bởi đức tính thật thà, tốt bụng, chắc chắn và điềm tĩnh. Tuy nhiên những người này thường kém linh hoạt trong mọi tình huống. Vì thế việc chọn tên theo ngũ hành nếu làm đúng có thể giúp ích được người đó rất nhiều trong việc cải thiện khuyết điểm của bản thân, trở về thế cân bằng hơn.

Một cái tên được coi là tên hay, tên đẹp, khi âm dương hòa hợp, ngũ hành tương sinh đem lại may mắn, thuận lợi, cho người mang tên đó. Đó là nguyên nhân Vì sao nên đặt tên đẹp cho bé trai theo phong thủy tứ trụ đấy!