Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Ăn Dặm Kiểu Nhật: Những Thắc Mắc Thường Gặp (P.2)


Tiếp theo bài trước, dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản khi bắt đầu cho bé ăn dặm.

Làm thế nào để bé làm quen với ăn dặm?     

Không phải những bài học về ăn dặm bạn đọc được trên mạng đều có thể áp dụng thành công cho bé nhà mình. Trước tiên, cần phải tìm hiểu về thói quen sinh hoạt của con và những phản ứng của bé khi lần đầu tiếp xúc với thức ăn khác ngoài sữa.
Việc quan trọng hơn là hãy để bé tự chủ động trong việc ăn dặm. Đừng ép bé ăn nhiều hay cho bé ăn quá nhiều loại thức ăn khác nhau, nếu bé không thích và không hợp tác với việc ăn dặm, hãy ngưng lại vài ba hôm.

Có không ít trường hợp bé đã 10 tháng tuổi nhưng vẫn không thích ăn dặm. Việc bạn có thể làm là thay đổi thực đơn hoặc chờ đợi. Thực sự những lời khuyên cho bé ăn dặm từ 4-6 tháng chỉ là mong muốn của người lớn, không có nghĩa là bé ở thời điểm đó đã sẵn sàng ăn dặm.
Mẹ nên cho bé làm quen với thực phẩm mới khi cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Không cho bé ăn thử khi bé mọc răng, hay đang bị cảm, mệt mỏi. Hãy bắt đầu ăn dặm khi bé cảm thấy thoải mái và mẹ cũng đã tự trang bị thật kỹ kiến thức về ăn dặm.
Trường hợp sức khỏe bé không được đảm bảo (các trường hợp như sau tiêm chủng, người lớn trong nhà đang bị bệnh dễ lây) hay gia đình có dự định cho những thay đổi sinh hoạt trong thời gian gần (đi du lịch, tổ chức tiệc đông người tại nhà... ) tốt nhất là nên đợi thêm một tuần cho tới khi mọi sinh hoạt trở lại bình thường thì mẹ hãy bắt đầu “chương trình” ăn dặm cho bé.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về ăn dặm kiểu Nhật cho bé. Để biết phần trước của bài là gì, hãy tìm đọc Ăn Dặm Kiểu Nhật:Những Thắc Mắc Thường Gặp (P.1) để không còn những băn khoăn trăn trở về vấn đề này. Chúc các mẹ thành công và bé mau ăn chóng lớn!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét