Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Cho bé ăn dặm đúng cách

Ăn dặm là giai đoạn quan trọng quyết định phần lớn tới thói quen ăn uống của bé sau này như: bé háu ăn hay biếng ăn, bé ăn uống không cân bằng… Vậy liệu các mẹ đã biết cho trẻ ăn dặm đúng cách chưa?

Thời điểm thích hợp để bé ăn dặm

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO và Viên Dinh Dưỡng Việt Nam, thời điểm bé ăn dặm tốt nhất là lúc bé tròn 6 tháng tuổi.
Tại sao lại chọn mốc 6 tháng tuổi để khởi đầu quá trình ăn dặm cho trẻ? 
Theo các nghiên cứu trên diện rộng do WHO và UNICEF công bố, sữa mẹ cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé trong 6 tháng đầu đời. Vì vậy, ăn dặm quá sớm (4-5 tháng) là không cần thiết. Đặc biệt, đối với bé 4-5 tháng tuổi, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện gây khó khăn trong quá trình tiêu hóa thức ăn dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn trớ cho trẻ ăn dặm.
Bé từ 6 tháng tuổi trở lên, nhu cầu dinh dưỡng tăng cao, số lượng sữa mẹ cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu lớn nhanh của trẻ. Do đó cần có chế độ ăn dặm hợp lý để trẻ phát triển tốt.

Cho bé ăn bao nhiêu là đủ?

Nhiều bà mẹ có thói quen ép trẻ ăn càng nhiều càng tốt nhưng lại không biết sức chứa dạ dày của bé. Hậu quả là bé ăn nhiều nhưng không thức ăn không được hấp thu chuyển hóa khiến bé ăn nhiều mà chậm tăng cần. Vậy ăn bao nhiêu là đủ?

Trẻ nhỏ từ 6-11 tháng tuổi có dung tích dạ dày nhỏ hơn 5 lần so với người trưởng thành. Nếu một người trưởng thành có thể ăn vào lượng thức ăn có thể tích 1300ml thì dạ dày trẻ chỉ chứa được một lượng thức ăn tương đương với 200-250ml. Vì vậy, đối với trẻ trong giai đoạn này, lượng thức ăn và sữa tương đương với 100-150ml/bữa giúp bé hấp thu thức ăn tốt nhất.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, nhu cầu vi chất dinh dưỡng của bé lại cao hơn 3-5 lần so với người lớn. Do vậy thách thức đặt ra là cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà không làm quá tải cho dạ dày trẻ.

>> Giải pháp đặt ra là: cho bé ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn là vừa đủ.

Vậy bao nhiêu bữa trong ngày là hợp lý?

+ Số lượng bữa ăn quá ít có thể cung cấp thiếu dưỡng chất cho bé hoặc là bé bị ép ăn quá nhiều trong bữa để đảm bảo dinh dưỡng.
+ Số lương bữa ăn quá nhiều: dẫn đến các bữa ăn quá gần nhau, bé chưa kịp tiêu hóa thức ăn bữa trước đã phải thêm thức ăn làm giảm cảm giác ngon miệng của trẻ.

>> 5 bữa ăn cả chính và phụ trong ngày là hợp lý đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và ngon miệng cho bé bạn nhé.
Khoảng cách giữa các bữa ăn chính ít nhất là 4 tiếng. Và sau ít nhất 2 tiếng mẹ mới nên cho bé ăn các bữa ăn phụ như uống sữa, sinh tố hoa quả để đảm bảo thức ăn bữa trước đã được tống khỏi dạ dày.
Tuy nhiên, khi lên thời khóa biểu bữa ăn cho bé cũng nên căn cứ trên thói quen bữa ăn gia đình để đảm bảo không gây trở ngại trong sinh hoạt và đời sống.
Ví dụ:
  • Bữa sáng : 6:30 – 7:30
  • Bữa phụ: 10:00 – 10:30
  • Bữa trưa: 12:00 – 1:00
  • Bữa phụ chiều: 3:00 – 3:30
  • Bữa tối: 6h00 – 7:00

Chế độ ăn dặm cho bé:

Làm thế nào để cho bé ăn dặm đúng cách. Thức ăn bổ sung phải có đậm độ năng lượng hợp lý: Ở các nước phát triển, đậm độ năng lượng của thức ăn bổ sung thường là 2kcal/ml, trong khi ở các nước đang phát triển là 1kcal/ml, do đó dễ gây thiếu năng lượng. Trẻ không thích hợp với chế độ ăn có đậm độ năng lượng thấp do dạ dày của trẻ có dung tích nhỏ, trẻ mau no, không ăn được số lượng nhiều. Trong sữa mẹ có 50% năng lượng từ chất béo trong khi bột gạo chỉ có 1-3%, vì vậy cần thiết bổ sung thêm chất béo vào thức ăn cho trẻ.
Thức ăn bổ sung phải có độ đậm đặc thích hợp: Sữa là thức ăn lỏng, khi cho trẻ tập ăn dặm phải chuyển dần từ lỏng sang sệt rồi mới sang đặc. Khuyến khích các mẹ nên bắt đầu với cháo nghiền nhuyễn (bột) với tỉ lệ 1:10 rồi tăng dần lên tỉ lệ 1:7 -> 1:5 -> 1:3 -> Cơm nát -> Cơm nguyên hạt.
Thức ăn bổ sung cần cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng: cần cung cấp đầy đủ trong bữa ăn hàng ngày của bé 4 nhóm thực phẩm sau:

+ Thực phẩm giàu glucid: bột ngũ cốc, khoai.
+ Thực phẩm giàu protein: thịt cá, đậu đỗ.
+ Thực phẩm giàu lipid: dầu mỡ, các loại đậu phộng, mè.
+ Thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng: rau, trái cây.

Đối với trẻ từ 7 tháng tuổi đã bắt đầu có phản xạ nhai cần tăng độ thô trong thức ăn. Điều này sẽ giúp phát triển kỹ năng nhai và nuốt thô hơn tránh tình trạng khi bé lớn dù đã đầy đủ răng nhưng không có thói quen nhai mà vẫn ăn các thức ăn nhuyễn gây ra tình trạng biếng ăn cho trẻ.

Cho trẻ ăn dặm đúng cách

Một điều các mẹ nên lưu ý đó là: vẫn giữ vai trò trung tâm của Sữa Mẹ trong giai đoạn này để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và phát triển theo tuổi của trẻ.
Hi vọng với những chia sẻ trên sẽ phần nào giúp các mẹ bớt lo lắng khi con bắt đầu chế độ ăn dặm cho trẻ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét